Thành phần Nội các Nội_các_Malaysia

Thành phần Nội các chủ yếu dựa vào nguyện vọng của thủ tướng tại thời điểm đó. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của chức vụ bộ trưởng Bộ Tài chính nên có luật riêng quy định vấn đề này là Đạo luật 375 năm 1957.[4] Theo quy ước, còn có chức vụ phó thủ tướng nhưng về mặt lý thuyết thì thủ tướng có thể thành lập Nội các mà không có phó thủ tướng.[5]

Ứng với từng bộ trưởng có các thứ trưởng và thư ký Nghị viện dù những người này không phải là thành viên Nội các. Các chức vụ này được quy định lần lượt trong bản sửa đổi hiến pháp năm 1960 và 1963. Tuy nhiên, sau cuộc tổng tuyển cử Malaysia năm 2008 thì nước này không bổ nhiệm vị trí thư ký Nghị viện nào. Các thứ trưởng và thư ký Nghị viện đều được lựa chọn từ thành viên Nghị viện. Ngoài ra, còn có một chức vụ khác gọi là thư ký chính trị, và người này không cần phải xuất thân từ nghị sĩ. Trước khi nhậm chức, tất cả các thành viên Nội các, thứ trưởng, thư ký Nghị viện và thư ký chính trị đều phải tuyên thệ giữ bí mật nội dung phiên họp Nội các. (xem thêm Đạo luật Giữ bí mật Chính thức (Malaysia))[5].